Hai bức tranh cổ động gần 40 tuổi ở Hà Nội đã bị phá, dỡ

Sau gần 40 năm hiện diện ở nút giao đường Minh Khai và phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hai bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh – người được mệnh danh là “ông vua” tranh cổ động – đã bị phá, dỡ hoàn toàn.

Cuối năm 2019, giới mỹ thuật, kiến trúc và công chúng đã từng xôn xao trước câu chuyện hai bức tranh cổ động ở ngã tư phố Bạch Mai và đường Minh Khai sắp bị xóa sổ.

Cũng vì hai bức tranh có tuổi đời gần 40 năm và do họa sĩ Trường Sinh thực hiện này nằm trong dự án đường vành đai 2, đoạn Mai Động – Ngã Tư Sở.

Trước sự lên tiếng của dư luận, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã đưa ra phương án, tuy không thể bảo tồn tại chỗ song sẽ di dời nguyên trạng hai bức tranh ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày.

Vậy nhưng bất ngờ thay khi giờ đây câu chuyện di dời nguyên trạng hai bức tranh cổ động ấy đến nơi khác không được thực hiện mà chỉ có việc một tranh thì bị phá hoàn toàn, một tranh thì gia đình họa sĩ phải tự tháo dỡ, không cũng bị phá nốt.

Bức tranh cổ động bị phá hoàn toàn là tranh khắc vữa có hình ảnh một đội ngũ công nhân, trí thức mang tinh thần hăng hái lao động, được họa sĩ Trường Sinh thực hiện năm 1982.

Là người đã từng lên tiếng về vụ việc này khi thấy hình ảnh bức tranh khắc vữa bị phá, PGS.TS Khuất Tân Hưng – Chủ nhiệm bộ môn di sản đô thị, khoa kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội đã bày tỏ cảm xúc trên trang cá nhân: “Hồi cáo chung của nghệ thuật đô thị”.

Kiến trúc sư Phạm Anh Quân cũng bày tỏ niềm luyến tiếc bằng cách đã kịp lưu lại bóng dáng bức tranh cổ động này qua ký họa “Góc chợ Mơ”.

Đây là bức ký họa mà anh đã thực hiện khi cùng nhóm Ký họa Hà Nội đến trục đường Đại La ký họa các công trình kiến trúc xưa hồi cuối năm 2019, vì hay tin trục đường này bắt đầu bị giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2.

Với bức tranh gốm có hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài bên Tháp Rùa như đang bay lên thì ông Trường Thành – con trai họa sĩ Trường Sinh xác nhận với phóng viên báo Giáo dục và thời đại là gia đình đã tháo dỡ và mang về bảo quản (chứ không phải Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho di dời – PV).

Cũng theo ông Thành, dù mong muốn song bức tranh khắc vữa gia đình không thể cắt để mang về bảo quản vì tranh được trát thẳng lên mặt tường gạch.

Trước đó, gia đình ông Thành cũng đã gợi ý với quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội là nếu các đơn vị quản lý không gian công cộng như bảo tàng, công viên… quan tâm thì sẽ hiến tặng để công chúng được biết về những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Tuy nhiên, gia đình ông lại nhận được “tối hậu thư” từ các cơ quan chức năng là gia đình phải tự dỡ bức tranh gốm còn không sẽ bị phá như bức tranh khắc vữa.

Về việc đến khi nào thì bức tranh gốm đã được tháo dỡ và bảo quản sẽ được dựng lại, ông Thành cho hay vẫn chưa thể biết về thời gian cụ thể vì phải đợi chuẩn bị không gian trên đất của gia đình.

CHIA SẺ